Commerce vs Trade - Luyện IELTS Miễn Phí

Commerce vs Trade

(Reading time: 7 - 14 minutes)

Cả 2 từ này dịch ra tiếng Việt đều là thương mại. Tuy nhiên, trong 2 ngữ cảnh sau:

"Thúc đẩy thương mại quốc tế sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và giúp quốc gia phát triển."

"Các hoạt động quảng cáo thương mại ngày càng nhiều rõ ràng đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng nhiều hơn."

Ta nên dùng từ 'commerce' hay từ 'trade' để diễn tả cho câu nào?

Nào hay cùng tìm hiểu Mối quan hệ giữa 'commerce' và 'trade' 

Học IELTS hiệu quả với Be Ready IELTS 

  • Commerce, từ tiếng Việt tương đương là 'thương mại', tức chỉ toàn bộ hoạt động mua bán nói chung ('thương' là mua, 'mại' là bán). 
  • Trade, từ tiếng Việt tương đương là 'giao thương', tức chỉ hoạt động giao và nhận hàng hoá, chuyển đổi sự sở hữu từ bên này sang bên khác. Nói đến Trade sẽ chia ra Domestic Trade (hay còn gọi là Internal trade) là giao thương trong nước, còn International Trade (hay còn gọi là External Trade) là giao thương với nước ngoài. Nếu giao thương trong nước thì chia nhỏ ra có buôn sỉ và bán lẻ, còn giao thương quốc tế thì có xuất khẩu hoặc nhập khẩu (chứ giao thương quốc tế không bao giờ có chuyện bán lẻ nha, mỗi lần xuất hàng ra nước ngoài phải ráng gom ít nhất 1-2 container đó)
  • Commerce là một bà mẹ, và trade là một trong những đứa con của bà mẹ ấy. Để thực hiện mua bán thì còn phải có các hoạt động khác (những đứa con khác) như hoạt động vận chuyển hàng và lưu trữ hàng hoá (thường gọi là lĩnh vực logistics), hoạt động mua bảo hiểm cho các lô hàng và giao dịch với ngân hàng để trả tiền cho các bên liên quan, hoạt động truyền thông, tiếp thị, quảng cáo để khách hàng biết mà mua sản phẩm.

 

Nguồn (https://www.quora.com/Whats-the-difference-between-trade-and-commerce)

Để dễ hình dung hơn, bạn hãy nhìn vào sơ đồ dưới đây để hiểu ở bước nào được gọi là TRADE.

  • Công ty D1 ở quốc gia D là một nhà sản xuất bánh cookie (cookie manufacturer). Để sản xuất bánh cookie, công ty D cần nhập khẩu (import) nguyên liệu từ 3 công ty ở 3 quốc gia khác nhau: nhập sugar từ cty A1 ở quốc gia A, nhập flour từ cty B1 ở quốc gia B, và nhập milk từ cty C1 ở quốc gia C.
  • Quá trình thương lượng giá, thống nhất thời gian giao hàng, sắp xếp container, đặt tàu bốc xếp hàng, chuẩn bị chứng từ, giấy tờ, được gọi là chung là TRADE (giao thương). Do đây là mua bán với nước ngoài nên là International Trade.
  • 2 chủ thể chính trong quá trình Trade này là bên bán (seller), tức các công ty A1, B1 & C1 ; và bên mua (buyer) là công ty D1.
  • Hoạt động chính của Trade là export hàng đi (seller) và import hàng về (buyer)
  • Khi công ty D1 nhập được các hàng sugar, flour & milk về kho của cty mình và hoàn tất trả tiền cho các bên, là hoạt động Trade chấm dứt. 3 loại hàng hoá trên đã chuyển sự sở hữu từ các công ty A1, B1 & C1 sang công ty D1.

Giờ ta chuyển sang giai đoạn tiếp theo diễn ra trong lãnh thổ quốc gia D:

  • Tại quốc gia D, sau khi cty D1 đã hoàn tất khâu nhập khẩu nguyên liệu, số nguyên liệu này được vận chuyển sang cookie plant (nhà máy sản xuất bánh cookie) để trải qua quy trình sản xuất và cho ra đời sản phẩm hoàn thiện là các gói bánh cookie. Số gói bánh cookie này tiếp tục được vận chuyển sang nhà kho lưu trữ (warehouse) chờ đem bán. Lúc này, công ty D1 tiến hành các hoạt động rầm rộ để quảng bá và tiếp thị cho loại bánh cookie mới, đồng thời liên lạc với các điểm bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi). Sau đó, số gói bánh cookie được vận chuyển đến các điểm bán lẻ trên toàn quốc. Người dân biết đến loại bánh này nhờ quảng cáo nên đi ra siêu thị mua về ăn và thế là bánh cookie đến được tay người tiêu thụ cuối cùng (ultimate consumer).
  • Trong suốt quá trình là hoạt động giao dịch ngân hàng (banking) diễn ra suốt để trả tiền cho các bên liên quan: trả tiền cho đơn vị vận tải, cho đơn vị quảng cáo, cho các điểm bán lẻ.
  • Toàn bộ quá trình từ lúc nhập khẩu nguyên liệu cho đến người tiêu dùng cuối cùng mua hàng được gọi chung là COMMERCE. 
  • 2 chủ thể chính trong quá trình Commerce này là nhà sản xuất (manufacturer), tức cty D1 và người tiêu dùng cuối cùng (ultimate consumer).

Vừa rồi là về International Trade & Commerce, giờ ta nhìn sang Domestic trade - giao thương trong nước, diễn ra trên lãnh thổ quốc gia D:

  • Công ty D1 mua các bao bì để đóng gói cookie từ cty D2 là cty chuyên sản xuất bao bì & đóng gói (packaging company). Để tiến hành các hoạt động quảng cáo cho loại bánh cookie mới, cty D1 thuê agency cung cấp dịch vụ quảng cáo là cty D3. Vậy trong mối quan hệ này là sự giao nhận hàng hoá (cty D2 buôn sỉ bao bì cho cty D1) và dịch vụ (cty D3 cung cấp dịch vụ quảng cáo cho cty D1) nên là quá trình Trade. Do diễn ra trong nước nên không có import-export gì cả mà chỉ có buôn sỉ (hoặc bán lẻ) nên là Domestic Trade. Quá trình Domestic Trade này cũng gồm 2 chủ thể chính là seller (cty D2 & D3) và buyer (cty D1) và sẽ chấm dứt khi cty D1 nhận được các bao bì cho bên cty D2 giao qua và dịch vụ quảng cáo do cty D3 cung cấp. 
  • Câu chuyện xảy ra tiếp theo sau đó thì chúng ta đã biết, cty D1 lấy số nguyên liệu nhập khẩu + số bao bì mua trong nước, vận chuyển qua nhà máy sản xuất và đóng gói tạo ra thành phẩm hoàn thiện là gói bánh cookie, rồi các bước tiếp theo như đã nói ở trên. Toàn bộ quá trình từ đầu lúc mua bao bì, hay order gói dịch vụ cho đến lúc người tiêu thụ cuối cùng mua các gói bánh được gọi là Commerce.

Vậy giờ ta nhìn vào bức tranh chung về International Trade - Domestic Trade - Commerce.

Trong quá trình TRADE, cty D1 đóng vai trò là buyer đi mua hàng từ các seller nước ngoài (cty A1, B1 và C1) và các seller trong nước (cty D2 & D3). Trong quá trình International Trade thì hoạt động chính là xuất nhập khẩu (export-import) và cty D1 sẽ được gọi là importer (nhà nhập khẩu) và các cty A1, B1 và C1 sẽ được gọi là exporter (nhà xuất khẩu).

Quá trình TRADE nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa seller và buyer (nếu là domestic trade) hoặc nhà xuất khẩu (exporter) và nhà nhập khẩu (importer) (nếu là international trade), nên trọng tâm của Trading activities là làm sao SỰ GIAO NHẬN HÀNG CỦA 2 BÊN NHANH GỌN VÀ ĐỠ TỐN KÉM NHẤT. Trên thực tế, Domestic Trade thường không gặp khó khăn gì nhiều vì mua bán trong nước không rườm rà về thủ tục hành chính. Vấn đề lớn thường nằm ở International Trade vì liên quan đến yếu tố nước ngoài, đến hải quan và nhà nước. Do đó, nhớ giúp cô là Trade là gắn liền với import-export, là sự giao nhận hàng của các quốc gia, vậy nên trọng tâm của phát triển Trading Activities là cải thiện quá trình xuất nhập khẩu nhanh chóng, không bị hải quan vịn lại mà cho giải phóng hàng hoá nhanh, thủ tục hành chính giấy tờ bớt rườm rà, tinh gọn.

Trong khi đó, quá trình COMMERCE nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa nhà sản xuất (manufacturer) & người tiêu thụ sản phẩm cuối cùng (ultimate consumer), vậy nên trọng tâm của Commercial activities là làm sao tiếp cận nhiều người tiêu thụ nhất (quảng cáo) và việc mua hàng của người tiêu dùng phải làm sao thuận tiện nhất để kích thích họ mua nữa.

(bạn cần phân biệt buyer & consumer. Có những trường hợp buyer & consumer là một, tức là mua về và xài sản phẩm luôn. Nhưng trong trường hợp nêu trên, buyer & consumer khác nhau. Buyer mua về nguyên liệu để sản xuất ra 1 sản phẩm khác mà họ không tiêu thụ, họ bán cho consumer rồi consumer mới tiêu thụ thì lúc này chuỗi quá trình mới kết thúc. Vậy nên đó là lý do tại sao có từ 'ultimate' (cuối cùng) trong 'ultimate consumer', tức là để chỉ đây là đích đến cuối cùng của toàn bộ quá trình thương mại mua bán.

 

Hiểu được bản chất của 2 từ này, bạn sẽ hiểu vì sao có những cụm từ trong tiếng Anh lại chỉ dùng từ này mà không dùng từ kia, mặc dù tiếng Việt dịch ra đều là 'thương mại'. Hãy nhớ:

Khi dùng để nêu cụ thể mua bán giữa quốc gia này với quốc gia khác => TRADE

Khi dùng để nêu tổng quát mua bán giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ cuối cùng => COMMERCE

 

TRADE (noun, verb)

Trading (noun)

COMMERCE (noun)

Commercial (adj)

Commercially (adv)

World Trade Organisation (WTO): Tổ chức Thương mại Thế giới

Trên website chính thức của WTO đã nêu rõ vai trò chính của tổ chức này là: "..to deal with the rules of trade between nations...The goal is to ensure that trade flows as smoothly, predictably and freely as possible. (nguồn)

WTO là một tổ chức quốc tế và do đó đối tượng chính là nó tác động là các quốc gia trên khía cạnh giao thương. Thương mại giữa các nước thường gây ra các vấn đề tranh chấp khó giải quyết do liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, ngoại giao. Do đó, WTO ra đời như một cầu nối trung gian, ban hành các quy định chung trên toàn cầu để làm ổn định hơn tình hình mua bán giữa các nước.

Vậy nên, lĩnh vực mà tổ chức này nhấn mạnh là 'giao thương giữa các quốc gia' nên phải dùng từ "Trade", không thể dùng "Commerce" 

E-commerce (electronic commerce): Thương mại điện tử 

Đây cũng là một 'hot keyword' thời gian gần đây, nhất là sau khi Alibaba mua lại Lazada. E-commerce tức là việc mua bán thực hiện trên nền tảng điện tử (electronic platforms). Ngày xưa muốn mua sách bạn phải chạy xe ra nhà sách, đứnng lựa sách, xong trả tiền mặt rồi chạy xe về. Với E-commerce bạn lên website hoặc app của Tiki để xem lựa sách, cho sách vào 'giỏ hàng' rồi thực hiệ thanh toán bằng credit card, sau đó sách được ship đến tận nhà bạn. Toàn bộ quá trình mua bán gần như được thực hiện online.

E-commerce phát triển mạnh để phục vụ cho sự tiện lợi khi mua hàng, làm cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu thụ cuối cùng, nên phải là commerce, chứ tuyệt đối không bao giờ có E-trading vì làm sao mà import-export có thể chuyển sang làm online được.

Trade war: chiến tranh thương mại

Đây là 'hot keyword' trong các năm gần đây do chiến tranh thương mại gay gắt giữa Mỹ - Trung. Về mặt bản chất, chiến tranh thương mại là cuộc chiến giữa các quốc gia trên lĩnh vực thương mại, mà cụ thể các quốc gia sẽ sử dụng hàng rào thuế quan làm vũ khí. Hiện nay, hàng trăm loại hàng hoá mà được xác định có nguồn gốc từ Trung Quốc muốn nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thêm mức thuế bổ sung (additional duties) 25% cộng với 10% đã có trước đó. Nâng tổng thuế nhập khẩu phải chịu lên 35%. Tương tự, Trung Quốc cũng áp thuế trả đũa mức 25% thuế bổ sung lên hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp Mỹ không muốn nhập hàng từ Trung Quốc nữa mà tìm nước khác để nhập hàng.

Vậy nên, cuộc chiến này là giữa các quốc gia, gây ảnh hưởng đến mặt giao thương giữa các nước liên quan, do đó phải dùng từ "Trade", không thể dùng "Commerce". 

Commercial Advertisement: quảng cáo mang tính thương mại

Khi nói đến tính từ 'commercial' tức là ý chỉ 'làm sao mà thu hút khách mua hàng nhiều nhất', nó liên quan đến mối quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ.

Vậy nên commercial advertisement là các quảng cáo của các cty bán hàng để tôn vinh, đánh bóng sản phẩm của mình lên nhằn thuyết phục người tiêu dùng mua hàng của mình chứ đừng mua hàng của đối thủ.

Trade facilitation: tạo thuận lợi thương mại 

Khi nói đến tạo thuận lợi thương mại thì người ta sẽ tập trung vào thuận lợi cho giao thương giữa các nước, giảm hàng rào thuế quan và hàng rào thủ tục hành chính ở cơ quan hải quan để giúp cho hàng hoá không bị giữ lại ở cảng lâu mà có thể giải phóng nhanh chóng.

Sự tạo thuận lợi này là nhấn mạnh cho import-export, vậy nên phải dùng từ "Trade", không thể dùng "Commerce". 

Non-commercial advertisement: quảng cáo không mang tính thương mại

Với cách hiểu trên, các quảng cáo không mang tính chất thương mại là quảng cáo nhưng không phải để bán hàng, không phải để thuyết phục người xem mua hàng, mà là để tuyên truyền, vận động khuyến khích cho phong trào nào đó. Ví dụ như đây là quảng cáo của 1 tổ chức tư nhân khuyến khích con người biết tiết kiệm nước sạch (bạn click vào đây để xem) 

 

Free Trade Zone (hoặc Foreign Trade Zone): Khu vực thương mại tự do

Hoặc còn biết với tên gọi khác là Special Economic Zone (SEZ) - đặc khu kinh tế, mà đã gây xôn xao dư luận Việt Nam một phen vừa rồi.

Đây là khu vực trong lãnh thổ một quốc gia mà các công ty nước ngoài được nhập khẩu hàng hoá vào, sản xuất sản phẩm, xuất khẩu ra nước khác, etc., mà không phải chịu các quy định hay thuế phí như các hàng nhập khẩu ở các khu vực khác.

Do đây là khu vực kinh tế đặc biệt có liên quan đến yếu tố nước ngoài, import-export, nên phải dùng từ "Trade", không thể dùng "Commerce". 

Commercially available: có bán sẵn trên thị trường

Trạng từ commercially cũng mang nghĩa tương tự như vậy, khi dùng cụm 'Commercially available' tức là món hàng hoá đó đã có sẵn về mặt thương mại, người tiêu thụ có thể mua ngay được

Quay lại với 2 câu trên đầu bài, ta thấy

"Thúc đẩy thương mại quốc tế sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và giúp quốc gia phát triển." => chỉ sự giao thương giữa các quốc gia, phải dùng "international trade"

"Quảng cáo thương mại ngày càng nhiều rõ ràng đã tạo ra nhu cầu của người tiêu dùng nhiều hơn." => chỉ các hoạt động quảng cáo thu hút người tiêu dùng mua nhiều hơn, phải dùng 'commercial'

 

 

Giáo viên Be Ready IELTS - Ms Thi

.

Liên Kết Chia Sẽ

Nhà Tài Trợ

Log in

Notice: Trying to access array offset on value of type null in /home/bereadyielts/public_html/templates/gk_university/layouts/blocks/tools/login.php on line 21
" /> create an account