IELTS Writing là một kỹ năng khó đòi hỏi các bạn cần rèn luyện thật nhiều. Với mục đích giúp các bạn có định hướng luyện viết IELTS tốt hơn, IELTS Fighter chia sẻ lộ trình trong 3 tháng hy vọng giúp bạn tăng tốc được band điểm.

Bài viết được chia sẻ bởi thầy Nguyễn Hồng Quân - giáo viên IELTS Fighter.

Lộ trình luyện IELTS Writing trong 3 tháng bắt đầu!

" Chào mọi người, mọi người có muốn dành trọn vẹn 3 tháng này để nâng vượt bậc IELTS Writing không?

** Bài viết tương đối dài, bạn nên dành 15-30 phút để take note các bước quan trọng nhé.

1. Những vấn đề mà band 5 IELTS Writing gặp phải

“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”!

Đó là tôn chỉ số 1 của mình khi giảng dạy, cũng như khi viết bài này. Điều này có nghĩa bạn phải rất hiểu về trình độ Writing của bản thân trước khi đi vào luyện tập.

Thông thường các bạn ở band 5 gặp phải một số vấn đề sau, theo bản mô tả band scores của IELTS:

VẤN ĐỀ 1: Không trả lời được trọn vẹn câu hỏi của đề bài, có thể thiếu 1 phần câu hỏi, 1 số key words quan trọng. Phát triển ý bị cụt hoặc lạc đề.

VẤN ĐỀ 2: Bài không được phát triển một cách liền mạch; dùng sai hoặc lặp đi lặp lại một số liên từ.

VẤN ĐỀ 3: Chỉ dùng được 1 số từ vựng tối thiểu liên quan tới chủ đề, nhiều lỗi về chính tả và từ loại. Lỗi từ vựng thi thoảng gây khó hiểu cho người đọc.

VẤN ĐỀ 4: Chỉ dùng được 1 số cấu trúc ngữ pháp tối thiểu, trong đó chủ yếu là câu đơn. Nếu là câu phức thì thường sai. Lỗi ngữ pháp thi thoảng gây khó hiểu cho người đọc.

Có một tài liệu thể hiện rõ sự khác biệt band 5 và các band khác mà các bạn có thể qua sách luyện IELTS Writing tại link này tham khảo là IELTS Write Right - Sách luyện viết thú vị

Lộ trình luyện IELTS Writing từ 5.0 lên 7.0 trong 3 tháng - ảnh 1

Vậy trong 3 tháng bạn sẽ giải quyết những vấn đề này thế nào? Mình sẽ chỉ ra mục tiêu luôn tập trong 3 tháng nhé!

2. Thời gian biểu học IELTS Writing mỗi ngày

Trước khi đi vào chi tiết các bước để giải quyết 4 vấn đề trên, chúng ta sẽ đi qua một chút về việc lên thời gian biểu học Writing mỗi ngày và lựa chọn người học cùng.

Một số nguyên tắc luyện tập trong suốt quá trình:

  • Mỗi ngày bạn nên dành tối thiểu 2-3 giờ để học Writing, liên tục trong 90 ngày. Thời gian tối ưu để học từ mới, bài mẫu là buổi sáng; còn thời gian để các bạn tự viết bài của mình nên là buổi tối yên tĩnh, hoặc bất cứ thời điểm nào khác mà bạn không bị ai quấy rầy.
  • Ideally là bạn cần 1 người double check các bài brainstorm của bản thân. Nếu bạn học cùng bạn bè, thì 2 người có thể cùng check các bài brainstorm của nhau. Nếu bạn học ở 1 lớp học IELTS, thì giáo viên cần có khả năng deliver các bài giảng & bài chữa brainstorm với cách tư duy rõ ràng, dễ tiếp thu.

 

Lộ trình luyện IELTS Writing từ 5.0 lên 7.0 trong 3 tháng - ảnh 2

Timeline học phù hợp (tổng: 90 ngày)

  • Giai đoạn 1: 30 ngày: Giai đoạn “nạp”, chủ yếu là đọc & phân tích bài mẫu
  • Giai đoạn 2: 30 ngày. Giai đoạn luyện tập “thả” thời gian, ghép cả từ vựng & ngữ pháp vào khuôn khổ
  • Giai đoạn 3: 15 ngày. Áp dần thời gian tương tự như thi thật nhưng vẫn đúng từ vựng ngữ pháp
  • Giai đoạn 4: 15 ngày. Làm bài dưới áp lực thời gian y hệt như thi thật.

Ngay bây giờ, chúng ta sẽ đi vào các bước để giải quyết 4 vấn đề chính mà mình đã chỉ ra ở bên trên.


3. Các bước luyện IELTS Writing theo lộ trình

Để luyện tập, chúng ta sẽ đi theo cải thiện từng vấn đề.

VẤN ĐỀ 1: Luyện phân tích đề & phát triển ý để có thể luôn trả lời trọn vẹn đề bài.

(3 bước)

Để phát triển ý tốt, tốt nhất là bạn có 1 nền tảng kiến thức xã hội dày, bao gồm việc đọc nhiều sách báo, bài nghiên cứu. Đây cũng là lý do tại sao phần lớn thí sinh lớn tuổi có điểm Writing cao hơn một chút so với thí sinh nhỏ tuồi.

Tuy nhiên, với những bạn chưa có nền tảng này, thời gian 3 tháng nhiều khả năng là .. không kịp xây dựng nền tảng gì cả. Vậy tốt hơn chúng ta focus vào những thứ có thể làm luôn và ngay, áp dụng được ngay.

Lộ trình luyện IELTS Writing từ 5.0 lên 7.0 trong 3 tháng - ảnh  3

Các bước luyện tập bao gồm:

Bước 1: Thu thập bài luận mẫu. 

Bạn cần thu thập ít nhất 30-40 bài mẫu ở trình độ viết cao (8+) với ý tưởng mỗi bài được thể hiện rõ ràng, của tác giả phù hợp với phong cách viết của bạn. Hãy tự đánh giá và thu thập bài mẫu cho riêng bạn, đừng dùng của người khác nhé.

Các trang thu thập bài mẫu, các bạn có thể tham khảo như trang web ielts-simon.com, ielts-blog.com, ielts-exam.net, ieltsliz.com... nhé, có nhiều bài mẫu rất hay.

Bạn có thể tham khảo với Tổng hợp 50 bài mẫu IELTS Writing Task 2 hay và tài liệu Cách viết bài cùng 34 bài mẫu hay do giáo viên IELTS Fighter biên soạn trước cũng được nhé! 

Bước 2: Học từ bài mẫu. 

3 thứ bạn cần học bao gồm: Ý – CÁCH PHÁT TRIỂN Ý – TỪ VỰNG. Hãy nhớ rằng với mỗi ý, người viết đều phải phát triển ý một cách trọn vẹn. 

Ví dụ:

Đề bài: Cách giải quyết các vấn đề môi trường

Câu trả lời Band 5: Theo tôi, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề môi trường là tăng giá nhiên liệu, bởi việc này sẽ khiến mọi người đi lại bằng xe cơ giới ít hơn. 

-> Câu trả lời bị cụt, và chưa “quay lại” trả lời được câu hỏi.

Câu trả lời Band 7: Theo tôi, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề môi trường là tăng giá nhiên liệu, bởi việc này sẽ khiến mọi người đi lại bằng xe cơ giới ít hơn. Khi có ít xe cơ giới hơn, lượng khí thải giao thông sẽ được giảm, và điều này giúp giảm ô nhiễm không khí.

-> Câu trả lời đầy đủ, và điểm cuối là “giảm ô nhiễm không khí” đã “quay lại” trả lời được trọn vẹn câu hỏi đề bài.

Các ví dụ trên chính là mấu chốt của việc phát triển ý. Nếu bạn là một người viết kinh nghiệm, thậm chí bạn sẽ còn nhận ra được bài mẫu nào tốt và bài mẫu nào không.

TIP: Bước 1 và 2 bạn nên dành khoảng 30 ngày để thực hiện; tối thiểu 1 ngày học 1 đề Bạn có thể luyện IELTS Writing Task 1 và 2 chung hoặc riêng.

Bước 3: Tự brainstorm ý và phát triển ý. 

Bạn cần sử dụng tài liệu tham khảo là bộ đề IELTS trong ít nhất 3 năm trở lại đây. Lưu ý: bạn vẫn phải tuân thủ tuyệt đối phương pháp phát triển ý bạn học được theo Bước 2.

Để tránh việc bỏ sót ý khi trả lời, bạn cũng phải underline cẩn thận tất cả keywords trong câu hỏi và đảm bảo câu trả lời của bạn có đề cập tới tất cả các keywords này.

Tổng cộng 3 năm, bạn sẽ được làm việc với trên 100 đề thi khác nhau. Mình hay nói nửa đùa nửa thật với học sinh là, nếu bạn học được 100 đề, thì tới đề 101 trong phòng thi dù khác 100 đề kia bạn cũng sẽ tự biết cách trả lời thôi. Đó là bởi vì lúc này bạn đã quá quen với kiểu “ra đề” và cách brainstorm cho các đề khác nhau của IELTS rồi.

TIP: Bước 3 bạn cần khoảng 60 ngày để thực hiện; tối thiểu 1 ngày brainstorm 2 đề. Trong 30 ngày cuối, bạn hay tập thử brainstorm mỗi bài chỉ mất 5 phút xem! Đặt dần sức ép phòng thi bạn nhé.


VẤN ĐỀ 2: Học cấu trúc bài chuẩn, lên một số core templates & học cách sử dụng liên từ đa dạng
(3 bước)

Cũng từ việc học bài mẫu, các bạn có thể mở rộng sang việc học cấu trúc bài, làm tiền đề cho việc tự mình lên được một cấu trúc bài tốt. Còn sự dụng liên từ thì đừng lo, đã có một cuốn sách rất tốt để hỗ trợ bạn!

Lộ trình luyện IELTS Writing từ 5.0 lên 7.0 trong 3 tháng - ảnh 4

Bước 1: học cấu trúc bài mẫu.

Các bạn cần nhanh chóng chia các bài mẫu thành các dạng bài, vì mỗi dạng bài có thể có một vài cách tiếp cận và lên cấu trúc thông dụng khác nhau. Tựu chung, IELTS Writing có các dạng bài sau:

- Writing Task 1: Biểu đồ so sánh, biểu đồ xu hướng, quy trình, bản đồ

- Writing Task 2: Thảo luận, Quan điểm cá nhân, Vấn đề - Cách giải quyết

Khi học cấu trúc của bài mẫu, bạn cũng cần chỉ ra luôn cả những yếu tố bổ trợ về ngôn ngữ cho cấu trúc này.

Ví dụ, dạng bài Thảo luận thì bạn cần biết sự khác nhau giữa ngôn ngữ khách quan & ngôn ngữ quan điểm cá nhân; dạng bài Quan điểm cá nhân thì bạn cần biết chỗ nào nên đưa Quan điểm cá nhân yếu, khi nào nên đưa quan điểm cá nhân mạnh.

Phần cấu trúc này có lẽ là phần hơi khó tự học nếu chỉ đọc bài mẫu, bởi thế bạn có thể mua 1 cuốn sách chuyên về cấu trúc bài, và nếu có điều kiện thì bạn có thể tìm kiếm một lớp học tốt.

TIP: Một cuốn sách có khá đầy đủ cấu trúc bài viết cho các dạng bài là “IELTS Advantage – Writing”, hiện có bán tại các hiệu sách ngoại văn. Hoặc bạn tải theo link: TẠI ĐÂY

Bước 2: Tự lên một số templates viết bài “tủ” của mình cho mỗi dạng bài

Của người khác sẽ mãi mãi là của người khác, do đó bạn cần hình thành những templates của riêng mình thì bạn mới hiểu trọn vẹn và tự tin sử dụng được. Với mỗi dạng bài, bạn cần 1-2 templates khác nhau, và những bộ ngôn ngữ phù hợp tương ứng.

Hãy lưu ý rằng lên Template sẽ giúp bạn trả lời bài nhanh hơn, cấu trúc chắc chắn hơn.

Tuy nhiên, kể cả khi bạn đã lên template, thì hãy sẵn sàng flexible và viết khác đi với mỗi đề khác nhau. Không có one-size-fit-all template đâu; hãy tâm niệm rằng chúng ta tái sử dụng được 60-70% đã là tốt lắm rồi.

TIP: bạn nên hoàn thành việc học cấu trúc bài & tự lên template trong 1 tháng đầu tiên. Sau đó mọi thứ sẽ thành hệ thống và bạn chỉ cần tiếp tục luyện viết full bài tới trước khi thi.

Bước 3: Học sử dụng liên từ một cách đa dạng

Liên từ sợ nhất là dùng một cách máy móc (mechanical). Thay vào đó, bạn dừng sử dụng bất cứ liên từ nào trong bài quá 2 lần, và tránh những cách viết cliché kiểu “firstly, secondly”. 

TIP1: Trong cuốn sách Writing Academic English, 4th edition có 1 bảng liên từ rất chất lượng ở chương về Unity and Coherence của essays

Link tải sách: TẠI ĐÂY

TIP2: Trong 60 ngày sau viết full bài, các bạn bắt đầu áp dần thời gian. Ví dụ, với Writing Task 2, thường bạn dành 5 phút đầu lên outline  (theo hướng dẫn tại VẤN ĐỀ 1), sau đó dành thời gian viết bài.

Bạn có thể bắt đầu với thoải mái không giới hạn thời gian, vừa làm vừa tra trừ vừa fix ngữ pháp (theo VẤN ĐỀ 3, VẤN ĐỀ 4), sau đó ép dần xuống còn 1 tiếng, 40 phút, rồi chuẩn cần đạt được trước khi đi thi là 30 phút/ 1 bài Writing Task 2 khoảng 270-300 từ.


 VẤN ĐỀ 3: Luyện từ vựng hướng tới band 7

(3 bước)

Đây là phần khó nhất trong cả 4 phần học, vì một lúc bạn sẽ phải đảm bảo được nhiều yếu tố:

- Từ vựng đúng chính tả

- Từ vựng đúng chủ đề & văn cảnh

- Từ vựng đi theo nhóm (collocations)

- Từ vựng đa dạng không bị lặp

Nếu hụt bất cứ yếu tố này trong các yếu tố trên thì bạn sẽ bị đánh tụt điểm từ vựng xuống. Nếu bạn aim 6.5, hãy nhớ điểm từ vựng vẫn có thể chỉ cần 6 thôi.

Để chuẩn bị, bạn cần thu thập ít nhất 30-40 bài mẫu ở trình độ viết cao (8+) với ý tưởng mỗi bài được thể hiện rõ ràng, của tác giả phù hợp với phong cách viết của bạn.

Các bạn hãy xem 04 bước sau để học từ vựng nhé.

Lộ trình luyện IELTS Writing từ 5.0 lên 7.0 trong 3 tháng - ảnh 5

Bước 1: Học từ vựng theo chủ điểm theo bài mẫu.

Tối thiểu 30 bài mẫu trong 75 ngày đầu tiên, tức là 3 bài/ tuần.

Mỗi bài mẫu sẽ đều theo 1 hoặc 2 chủ đề rộng nào đó, ví dụ: chi tiêu công & giáo dục. Bởi vậy bạn có thể list được từ vựng hay từ chính các bài mẫu, rồi gom thành các nhóm theo các chủ đề. Cách học này rất ưu việt vì bạn đã học được từ vựng theo cả chủ đề & văn cảnh rồi, chỉ cần nhớ tương đối là band 6 đang ở trước mặt bạn rồi.

Những loại từ hay cần chú ý học:

- Từ vựng học thuật

- Collocations (từ vựng đi theo nhóm)

TIP: quá trình học từ vựng và chia nhóm này trong khoảng 30 ngày

Bước 2: Luyện tập viết error-free theo nguyên tắc “viết 2 lần”.

Tối thiểu 20 bài từ ngày 31 tới ngày 75, tức là 3 bài/ tuần. Bạn không cần siết thời gian, cứ thoải mái viết miễn là viết đúng từng từ.
Khác với 30 ngày đầu chỉ cần đọc bài mẫu, học từ & ý & cách phát triển ý, từ ngày 31 tới ngày 75 bạn phải trực tiếp áp dụng từ vựng bạn học được để tự viết lại bài theo cách của bạn.

Việc này bao gồm việc bạn không bao giời sai chính tả, chọn sai từ cho văn cảnh hoặc sai collocations.

Bạn nhất thiết cần 1 người chữa bài cho mình, có thể là bạn bè, một dịch vụ chữa bài uy tín hoặc lớp học 1 thầy cô, 1 trung tâm nào đó tốt. Mình thấy nhìn chung tự mình viết thì lúc nào mình chả thấy đúng, khó mà tự thấy mình sai lắm.

Để có thể viết error-free thì bạn phải coi lỗi sai như kẻ thù. Sai = viết lại ngay lập tức cả bài, cho tới khi bài hoàn chỉnh. Khi luyện viết error-free thì thời gian đầu cũng không nhất thiết phải áp thời gian, ví dụ như 40 phút/ bài Writing Task 2, mà kéo dài bao lâu cũng được miễn là xong bài và đúng hết.

TIP: Bạn cần viết tối thiểu 15 bài – mỗi bài 1 lần draft và 1 lần viết lại sửa sai – trong 60 ngày còn lại của quãng thời gian 3 tháng, gồm cả Writing Task 1 và Task 2. Hãy tìm một người chữa bài cho với bạn!

Giai đoạn này mình đã nhắc tới ở trên, bạn cần bạn bè chữa giúp, dịch vụ chữa hoặc 1 thầy cô/ trung tâm tốt mới có thể giúp bạn tiến bộ.

Bước 3: Luyện Max paraphrase và Collocations

Kéo dài từ ngày 31 tới ngày 75 của quá trình học, cho tất cả các bài viết mà bạn luyện viết

Thường thì bạn luyện xong Bước 1 và Bước 2 thì điểm cho riêng tiêu chí từ vựng đã được nâng từ 5.0 lên 6.0 rồi. Nhưng với những bạn thực sự muốn đạt 7.0 cho riêng tiêu chí từ vựng thì bạn cần luyện cả Paraphrase và Collocations nữa.

TIP: Bạn cần tối thiểu 2 từ điển sau, dù bản giấy hay điện từ đều được: THESAURUS và COLLOCATIONS. Mình đang dùng từ điển này của Oxford bản trên Android.

* Luyện paraphrase sử dụng từ điển Thesaurus

Nguyên tắc rất đơn giản cho band 6 là không lặp 1 từ khóa diễn đạt quan trọng quá 2 lần, còn band 7 thì không lặp bất cứ lần nào (từ khóa diễn đạt quan trọng không phải là những từ như đại từ, mạo từ, giới từ. Phần lớn những từ này là động từ và tính từ.

Khi bạn bị lặp từ, bạn có thể sử dùng từ gần nghĩa bạn tìm thấy trong Thesaurus. Ví dụ, từ “address”, với nghĩa là giải quyết vấn đề, có từ gần nghĩa trong từ điển Thesaurus là “tackle”.

TIP:  Tuy nhiên đừng … dại dột mà điền thẳng từ bạn tìm được vào bài thay cho từ bị lặp, mà phải tra lại từ điển Anh-Anh một lần với những từ bạn vừa tìm ra xem có sát với văn cảnh bạn muốn hay không. Điều này là bởi dù là từ gần nghĩa, có thể mỗi từ này sẽ áp dụng khác nhau vào các văn cảnh khác nhau.

Ví dụ:

- Address: nghĩ về vấn đề và quyết định nên giải quyết như thế nào (formal, neutral)

- Tackle: rất quyết tâm & dành nhiều năng lượng giải quyết vấn đề (thường là sẽ giải quyết được)

- Grapple: cố gắng giải quyết 1 vấn đề khó khăn (thường là không giải quyết được hoặc giải quyết không triệt để)

- Lập sổ để theo dõi việc học từ gần nghĩa của bản thân. Mỗi từ/ cụm từ phải xem đi xem & sử dụng lại đủ 5 lần trong 5 tuần liên tiếp mới được coi là “của mình”

TIP: Việc luyện viết có sử dụng từ điển Thesaurus nên bắt đầu vào ngày thứ 31 và kết thúc vào ngày 75 trong quá trình luyện 90 ngày.

Trong 30 ngày đầu, bạn phải có “input” đã, và trong 15 ngày cuối thì bạn cần phải vượt qua được sự ám ảnh “phải paraphrase bằng được” khi vào phòng thi.

Trong phòng thi thời gian có hạn, còn nhiều thứ khác phải ưu tiên hơn vài chỗ paraphrase.

* Luyện collocations sử dụng từ điển Collocations

Phương pháp trong giai đoạn đầu sẽ rất mất thời gian. Bạn có thể bắt đầu từ ngày 31, khi bạn có “vô hạn” thời gian để hoàn thành bài của mình.

Công việc bao gồm:

- Viết tới mỗi DANH TỪ hoặc ĐỘNG TỪ đều dừng lại tra Collocations của từ đó một lần. Xem Danh từ này thì đi với Động từ nào? Động từ này đi với Trạng từ nào? Từ này đi với Giới từ nào? 

- Lập sổ để theo dõi việc học collocations của bản thân. Mỗi từ/ cụm từ phải xem đi xem & sử dụng lại đủ 5 lần trong 5 tuần liên tiếp mới được coi là “của mình”

- Khi bạn bắt đầu thuộc nhiều collocations hơn thì nên ép thời gian viết bài xuống, để có thể hoàn thành bài trong 1 tiếng, rồi cuối cùng là 30 phút

TIP: Tới ngày 75-90, bạn sẽ gần như không còn thời gian tra từ điển collocations trừ một vài trường hợp từ mới, từ khó.

Bước 4: Luyện viết áp dụng từ vựng hay trong thời gian như thi thật

Tối thiểu 6 bài trong 15 ngày cuối cùng, tức là 3 bài mỗi tuần.

Từ ngày 76 tới 90, bạn sẽ gần như không còn thời gian tra từ điển collocations trừ một vài trường hợp từ mới, từ khó. Việc bạn cần làm là LẶP LẠI BƯỚC THỨ 2, dưới điệu kiện THỜI GIAN HẠN CHẾ.

Bạn nên siết thời gian còn chính xác 40 phút cho task 2 và 20 phút cho task 1. 

Nếu bạn thực sự muốn đạt điểm thật cao, hãy siết còn 30 phút cho task 2 và 15 phút cho task 1 khi luyện tập. Bởi trong phòng thi, thời gian bao giờ cũng trôi "nhanh" hơn so với bình thường.


 VẤN ĐỀ 4: Luyện Ngữ pháp ở trình độ Band 7
(2 bước)

Band 7 Ngữ pháp IELTS cần phải “đạt” về cả 2 yếu tố: Range và Accuracy, có nghĩa là sự đa dạng và tính chính xác. 

Phần này có 2 bước luyện. Đầu tiên, bạn phải viết “đúng” đã; sau đó bạn mới nên tính tới sự đa dạng.

Lộ trình luyện IELTS Writing từ 5.0 lên 7.0 trong 3 tháng - ảnh 6

Bước 1: Luyện tập viết error-free theo nguyên tắc “viết 2 lần”.

Tương tự như luyện viết từ vựng error-free, luyện viết ngữ pháp error-free cũng áp dụng đúng quy tắc “viết 2 lần” và áp dụng cùng khung thời gian timeline như luyện từ vựng.

11 lỗi phổ ngữ phá biến nhất của IELTS Writing bao gồm: 

-  Redundant verb: thừa động từ

-  Fragmented sentence: câu không hoàn chỉnh

-  Subject-verb agreement: chia sai động từ theo chủ ngữ

-  Punctuations: sai dấu câu

-  Verb form: chia sai dạng của động từ

-  Relative clause: sai hoặc thiếu mệnh đề quan hệ

-  Unparalleled structure: cấu trúc không song song

-  Uncountable-Countable: nhầm giữa danh từ đếm & không đếm được

-  Plural-Singular: nhầm giữa số ít và số nhiều

-  Article: nhầm giữa các mạo từ a/ an/ the/ zero article 

-  Prepositions: nhầm giới từ ứng với các danh, động & tính từ chính

TIP: Nguyên tắc tự soát & chữa lỗi là viết xong 1 câu kiểm tra ngay lại câu đó, hạn chế để viết xong soát một thể, vì khi đó sẽ khó phát hiện lỗi lắm! Cần kiểm tra đặc biệt kỹ thứ nhất là tất cả danh từ trong câu, xem đã đúng dạng số ít/ nhiều, đếm/ không đếm được và mạo từ tương ứng đã phù hợp chưa. Cần kiểm tra kỹ thứ hai là các động từ xem đã được chia chuẩn chưa.

TIP: IELTS band 7 Grammar được mô tả là “the majority of sentences are error-free”, có nghĩa là phần lớn các câu trong bài không có lỗi sai ngữ pháp. Có thể hiểu “phần lớn” là 2/3 hoặc ¾ số câu trong bài. 

Tránh dùng các cấu trúc ngữ pháp quá phức tạp dễ bị sai, nếu bạn muốn có sự đa dạng thì có thể xem ngay

Bước 2: Luyện tập sự đa dạng

Bởi đó là những cấu trúc dù rất đơn giải dễ hiểu nhưng vẫn hoàn toàn đạt chuẩn Band 7 của IELTS về sự đa dạng.

TIP: bạn cần viết tối thiểu 15 bài – mỗi bài 1 lần draft và 1 lần viết lại sửa sai – trong 60 ngày còn lại của quãng thời gian 3 tháng, gồm cả Writing Task 1 và Task 2. Hãy tìm một người chữa bài cho với bạn! Giai đoạn này mình đã nhắc tới ở trên, bạn cần bạn bè chữa giúp, dịch vụ chữa hoặc 1 thầy cô/ trung tâm tốt mới có thể giúp bạn tiến bộ.

Về sự đa dạng, để đạt đủ IELTS 7 Grammar không hề khó. Bạn cần phải đảm bảo trong bài đa số câu sử dụng những cấu trúc sau đây:

- Câu điều kiện (i.e. if, unless)

- Mệnh đề quan hệ (e.g. which, who, that)

- Câu bị động

- Mệnh đề chỉ lý do, mục đích (e.g. because, in order to)

- Mệnh đề chỉ tương phản, nhượng bộ (e.g. while, although)

Nghe .. có vẻ nhiều, nhưng thật ra bạn hoàn toàn có thể sử dụng TIP để luôn luôn dùng được một số cấu trúc trong số này bất kể dạng bài, chủ đề câu hỏi là gì!

TIP: một số vị trí luôn dùng được các cấu trúc ngữ pháp ăn điểm:

- Bất cứ khi nào nhắc tới 1 giải pháp, có thể dùng câu điều kiện (unless) để giả định hậu quả nếu giải pháp không được tiến hành

- Bất cứ khi nào nhắc tới 1 danh từ mời luôn có thể nghĩ tới việc dùng mệnh để quan hệ/ mệnh đề quan hệ rút gọn để giải thích & đưa thêm thông tin (e.g. Son Tung, a pop star in Vietnam)

Lộ trình luyện IELTS Writing từ 5.0 lên 7.0 trong 3 tháng - ảnh 7

Đạt 7.0+ Overall thật không dễ phải không nào? Nhưng cố gắng lên, chúng ta sẽ đạt được. Không tăng 2 band thì với cách này, bạn cũng tăng ít nhất 1 band, chắc chắn đó nha!

Chúc các bạn học tốt & đạt điểm Writing nhé!

Bài viết chia sẻ bởi thầy Nguyễn Hồng Quân - Chiến binh IELTS Fighter.