Một trong những yêu cầu cơ bản nhất, nếu các bạn đọc barem chấm điểm, của Writing, đó là "address the question". Đề bài hỏi mình cái gì, thì mình phải trả lời cái đấy. Nghe thì đơn giản, nhưng thực tế là có quá nhiều bạn hay "phiêu", tập trung vào "chủ đề" nhiều hơn là yêu cầu đề bài. Vậy, chúng ta cần xác định yêu cầu đề bài trước khi bắt tay vào viết Task 2.
Task 2 có 4 loại đề chính, đó là:
A. Opinion
Đề bài này thường có các câu phổ biến như:
- How much do you agree with this statement?
- Do you agree with this statement?
- To what extent to do you agree with this statement?
Các bạn có thể dễ dàng nhận ra đề bài này khi nó hỏi chúng ta có: đồng ý (agree) hay không đồng ý (disagree) với một quan điểm được nêu ra trước đó không.
Với dạng bài này, các bạn có thể chọn đi theo 1 trong 2 hướng: (1) hoàn toàn đồng ý/không đồng ý hoặc (2) nửa nạc nửa mỡ (đồng ý 1 phần). Với dạng hoàn toàn, bạn sẽ đi theo cấu trúc:
Mở bài => Lý do 1 => Lý do 2 => Tóm lại
Với dạng nửa nạc nửa mỡ, các bạn sẽ viết:
Mở bài => Khía cạnh đồng ý => Khía cạnh không đồng ý => Tóm lại
Dù bạn chọn kiểu trả lời nào, giám khảo sẽ không đánh giá bạn chọn "đúng" hay "sai". Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của 99% người thi IELTS, đi theo kiểu "hoàn toàn" bao giờ cũng an toàn và dễ viết hơn. Có một số đề sẽ rất ngớ ngẩn nếu bạn viết cả đồng ý lẫn không đồng ý, ví dụ:
Hút thuốc lá:
=> Ý 1: cực kì hại sức khoẻ
=> Ý 2: trông rất cool
Rõ ràng, đi theo hướng "hoàn toàn" sẽ dễ viết hơn rất nhiều. Nên nhớ, giám khảo chấm thi không quan tâm là bạn trả lời gì, người ta chỉ quan tâm bạn diễn đạt câu trả lời ra sao.
B. Discuss/Discuss + Opinion
Đề bài này rất dễ nhận ra, vì đơn giản là nó có từ ... discuss. Bài discuss sẽ cho bạn 2 quan điểm. Nó có thể yêu cầu bạn:
- nói về 2 quan điểm (A)
- nói về 2 quan điểm + đưa ra ý kiến của bạn (B)
Bài này cũng khá dễ viết, với dạng A, bạn chỉ cần viết:
Mở bài => Quan điểm 1 => Quan điểm 2 => Tóm tắt
Với dạng B, người ta sẽ hỏi bạn ủng hộ quan điểm nào, tức là bạn sẽ phải lựa chọn. Sau khi lựa chọn quan điểm mà bạn ủng hộ, bạn sẽ viết
Mở bài => Quan điểm 1 => Quan điểm mình ủng hộ => Tóm tắt
Lưu ý, khi viết quan điểm 1 ở dạng B, không phải là bạn "phản bác" lại quan điểm này. Bạn chỉ đơn giản đưa ra lý do tại sao người khác ủng hộ nó.
C. Problems + Solutions
Chúng ta có thể nhận ra dạng bài này khá dễ dàng bằng các cụm từ:
- What are the causes?
- What do you think causes cái này?
- What are the solutions?
...
Tóm lại là nhìn thấy "causes" & "solutions". Cách viết bài này cũng đơn giản thôi:
Mở bài => Causes => Solutions => Nhấn mạnh cần phải làm ngay các solutions
Khi viết causes và solutions, cách dễ nhất là viết theo kiểu liệt kê, ví dụ
- Causes: There are a number of causes to ...
- Solutions: A number of solutions can be used ...
Sau đó là liệt kê các causes và solutions đó ra. Khá là hệ thống và đơn giản.
D. 2-part questions
Cuối cùng là 2-part questions, khá là dễ nhận ra vì sẽ không có các từ dấu hiệu của các dạng bài trên, mà có 2 dấu chấm hỏi.
=> ...? ...?
Cái này viết cũng rất dễ:
Mở bài => Trả lời câu 1 => Trả lời câu 2 => Kết bài
Vậy đây là 4 dạng đề bài trong Task 2, các bạn chú ý viết theo yêu cầu để không bị lạc đề nhé!