Nhiều người nghĩ nghe càng nhiều càng tốt, đọc hết subtitle và transcript, chắc chắn sẽ nghe được hết... Tuy nhiên những quan điểm này chưa đúng.

Cô Bảo Kim (9.0 IELTS Listening - giảng viên tại IELTS Fighter) chia sẻ về 5 sai lầm thường gặp phải khi luyện nghe và cách khắc phục.

Sai lầm 1: Nghe càng nhiều càng tốt

Bạn không nên tập trung nghe một lần mấy tiếng liền. Như thế sẽ rất mệt và dễ mất tập trung. Thay vào đó, hãy chia ra thành nhiều khung giờ để luyện nghe hiệu quả.

Nếu muốn tai nghe và não tư duy đủ cường độ thì bạn phải nghe ít nhất một tiếng mỗi ngày và liên tục trong 3-6 tháng. Thời gian lý tưởng cho việc nghe là 4-6 tiếng mỗi ngày. Chú ý là thời gian này chia đều cho cả ngày, không nghe liền một mạch.

Sai lầm 2: Không biết từ làm sao nghe được? 

Chúng ta học từ qua nghe chứ không phải có từ rồi mới nghe. Với những người mới bắt đầu nghe, bạn nên xem phần phụ đề (subtitle) hay phần transcript (phần nội dung) trước để hiểu được nội dung của bài nghe và biết thêm những từ vựng mới. Sau đó, bạn nghe lại mà không xem phụ đề nữa.

Lưu ý: Tuyệt đối không được vừa nghe vừa nhìn từ, như vậy sẽ không hiệu quả.

5-sai-lam-co-ban-khi-luyen-nghe-tieng-anh

Cô Bảo Kim chia sẻ 5 sai lầm thường gặp khi luyện nghe IELTS.

Sai lầm 3: Đọc hết subtitle và transcript thì chắc chắn sẽ nghe được hết

Đây là một quan niệm sai lầm. Khi bạn nhìn một từ, nội dung của từ đó sẽ qua mắt và lên não của bạn rất nhanh và dễ hiểu. Nhưng khi bạn nghe một từ, tai bạn phải phân tích âm thanh của từ đó qua giọng đọc của người bản ngữ rồi mới vào não. Sau đó, bạn tiếp tục phải phân tích thêm một lần nữa nghĩa của nó trước khi hiểu. Quá trình hiểu này khó hơn nhiều so với việc hiểu bằng mắt (đọc).

Do đó, nếu bạn mới bắt đầu nghe, hãy đọc hiểu nội dung trước và ghi ra những từ vựng mình chưa biết. Sau đó thả lỏng và bắt đầu nghe để luyện tai xem khả năng bắt từ của mình như thế nào.

Sai lầm 4: Nghe nhạc vừa thư giãn lại luyện nghe hiệu quả

Thực tế, các bài hát có quá nhiều từ luyến láy sẽ làm cho bạn khó nghe và không bắt được từ. Bạn nên nghe các bản tin của VOA hoặc BBC, hoặc luyện nghe ở các đề thi sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Sai lầm 5: Nghe vô thức và "tắm" ngôn ngữ sẽ nghe tốt hơn

Phương pháp "tắm" ngôn ngữ có thể thích hợp với trẻ em vì tiềm thức của các bé đang rất mạnh. Còn với người trưởng thành, ý thức của chúng ta mạnh hơn rất nhiều nên thu nạp theo cách thụ động là rất khó. Hãy tập trung nghe có ý thức và cố gắng hiểu, động não liên tục sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-tieng-anh/5-sai-lam-co-ban-khi-luyen-nghe-tieng-anh-3564660.html