Có phải nói chuyện tốt với người nước ngoài là sẽ dễ dàng đạt điểm cao trong IELTS Speaking
Không nhất thiết phải như vậy, đối thoại hàng ngày bạn có thể nói sao người ta hiểu là được. Tuy nhiên bạn cần hiểu IELTS Speaking là bài kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ, không phải đơn thuần là khả năng nói chuyện.
1. Nói quá dài, quá lâu!
Thật đấy! Một số thí sinh có thói quen nói “liên tu bất tận” ngay từ những câu hỏi đầu tiên như “What’s your name?” hoặc “How are you today?”. Bình tĩnh đã nào! Đó chỉ là một vài câu hỏi xã giao giúp bạn khởi động thôi! Và thậm chí là trong phần Part 1, bạn cũng chỉ nên gói gọn ý tưởng của mình trong vòng 2 – 3 câu. Nếu nói quá dài, giám khảo có khả năng sẽ chuyển qua câu khác khi bạn chưa đi vào trọng tâm. Nên nhớ, trong thời lượng cho Part 1 chỉ là 4 – 5 phút, và giám khảo bắt buộc phải hỏi bạn khoảng 10 câu hỏi hoặc hơn thế. Hãy ngắn gọn, súc tích và để dành một ít “năng lượng” cho Part 2 và 3 nhé!
2. Phát âm quá tệ!
Speaking là phần thi duy nhất mà bạn phải thể hiện khả năng phát âm, bên cạnh từ vựng và ngữ pháp. Thực tế, sự lưu loát (Fluency) và phát âm (Pronunciation) là 2 tiêu chí dễ gây mất điểm nhất đối với các thí sinh ở band 5 hoặc band 6. Vì thế, hãy danh một ít thời gian mỗi ngày để luyện tập phát âm các từ thường gặp và khi vào phòng thi, hãy cố gắng điều chỉnh tốc độ nói vừa phải để không bị nuốt chữ hoặc thiếu nhấn âm nhé.
3. Im lặng quá lâu!
Trong phòng thi Speaking thì im lặng không bao giờ là “vàng” cả! Những khoảng nghỉ hoặc ngập ngừng hơn 5 giây sẽ khiến bạn mất điểm rất nhiều ở tiêu chí (Fluency and coherence). Để khắc phục được những lần bí ý tưởng hoặc không biết diễn đạt, hãy “trang bị” sẵn một vài kiểu “câu giờ” như “That’s a tough question!” hay “Let me see”. Ngoài ra, nếu không thuộc tuýp người hoạt ngôn, bạn hãy tìm cho mình một “khuôn mẫu” cho câu trả lời của từng phần. Ví dụ như ở Part 1, sau khi đưa ra câu trả lời, bạn chỉ cần thêm 1 câu nêu lí do và 1 câu ví dụ là được.
4. Lạm dụng từ nối!
Những từ nối đương nhiên là một công cụ không thể thiếu để liên kết ý tưởng. Tuy nhiên, một số thí sinh lại đem một vài từ nối từ Writing sang Speaking, ví dụ như: “furthermore”, “moreover” hay “in addition”. Những từ này thường chỉ dùng trong văn phong trang trọng, nên việc đưa chúng vào bài Speaking sẽ làm câu trả lời của bạn không tự nhiên và gượng ép.
5. Nói như trả bài!
Hiện nay, với sự phổ hiến của những bộ Speaking Forecast theo từng quý, việc luyện tập hoặc soạn sẵn những câu trả lời mà một “chiến lược” khá an toàn và hiệu quả, nhất là đối với những bạn dễ bị “khớp” khi vào phòng thi. Tuy nhiên, đây cũng là một “cao dao hai lưỡi” vì giám khảo có thể trừ điểm nếu phát hiện ra các dấu hiệu của việc học trước câu trả lời như: cách nói giống văn viết, nhấn giọng không tự nhiên hoặc hoàn toàn không nhấn giọng, trả lời lạc đề. Cách tốt nhất để tránh lỗi sai này là học những cụm từ quan trọng và cần thiết rồi tự ghép chúng lại thành câu, hoặc lưu ý một chút đến yếu tố trọng âm khi luyện tập tại nhà.
6. Thiếu tự tin:
Đây là một lỗi mà rất rất nhiều bạn mắc phải nhưng lại không nhận ra, thậm chí một số người còn không xem đây là một vấn đề, vì vốn dĩ trong 4 tiêu chí chấm Speaking, không hề có tiêu chí nào là “Tự tin” cả. Tuy nhiên, tự tin chính là một nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định đến sự lưu loát, nhạy bén và khả năng động não. Ngoài ra, một thí sinh tỏ ra thoải mái, tươi tỉnh sẽ khiến giám khảo đánh giá cao hơn. Để có được phong thái này, bạn nên chuẩn bị thật kỹ trong quá trình luyện tập, và khi bước vào phòng thi, hãy xem người giám khảo là một người bình thường mà bạn có thể gặp ở bất kỳ nơi đâu. Ông/ cô ta ở đó, không phải để bắt bẻ hay làm khó mà chỉ là để giúp bạn hoàn thành xong bài thi